Chăn nuôi gà ta mang lại hiệu quả kinh tế cao, gà ta vốn là gà thuần Việt thích nghi với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng Việt Nam. Hiện nay phong trào nuôi gà ta trong cả nước phát triễn rất mạnh rãi khấp cả nước. Sau đây gagiongvitgiong.com.vn xin điểm qua một số mô hình nuôi gà ta đạt hiệu quả của bà con nông dân trong cả nước trong thời gian qua kính mời các bạn theo dõi.
Đến ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang hỏi thăm gia đình bà Khưu Phương Quế có mô hình kết hợp vườn cây ăn trái với chăn nuôi gà ta thả vườn thì ai cũng biết
Nhờ có diện tích đất vườn nhà khá rộng rãi, lại đang trồng các loại cây ăn quả lâu năm nên có điều kiện thuận lợi chăn nuôi gà. Mặt khác, xưa nay người dân địa phương chỉ nuôi gà theo hình thức nhỏ lẻ, chưa thực sự đầu tư với quy mô lớn, bà Quế không ngần ngại đầu tư cho mô hình nuôi gà thả vườn.
Ban đầu, do chưa hiểu rõ về kỹ thuật chăm sóc gà thả vườn nên bà chỉ nuôi thử 200 con, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Nhờ cần cù, ham học hỏi, không ngừng nghiên cứu thêm sách báo và biết cách áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, bà Quế đã nhận ra rằng nuôi gà ta thả vườn rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh và đều; nuôi gà trong vườn còn tận dụng được nguồn phân bón trực tiếp cho cây trồng rất tốt. Từ 200 con gà ban đầu, đến nay đàn gà nhà bà đã phát triển lên đến trên 1.000 con. Mô hình nuôi gà ta thả vườn của gia đình bà Quế được thương lái đến đặt mua tại nhà. Bà Quế cho biết: mô hình nuôi gà của gia đình bà đang đầu tư có hiệu quả kinh tế hơn chăn nuôi bò, lợn lại không tốn công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là cám, lúa, bắp, rau xanh, tiết kiệm được chi phí, vốn đầu tư chuồng trại lại không cao, chủ yếu dùng các vật liệu như lưới thép B40, gạch chỉ xây chân tường, tre, gỗ tạp quanh vườn, bạt, nhưng vẫn đảm bảo giữ nhiệt độ thích hợp cho đàn gà.
Để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên, đặc biệt là giao thời giữa lứa cũ và lứa mới, sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, trồng thêm rau xanh, chuối, các loại cây trong sân vườn để cung cấp thức ăn cho lứa gà mới nuôi. Với mô hình chăn nuôi mới này, những năm gần đây thu nhập gia đình bà luôn ổn định và phát triển. Bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình bà thu lãi từ nuôi gà khoảng 70 đến 80 triệu đồng. Thấy mô hình hiệu quả và phù hợp, nhiều hộ dân trong xã đã đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm để triển khai thực hiện.
Gia đình anh Nguyễn Đức Thiện, thôn Vân Giữa, xã Vân Hội, huyện Tam Dương để cải thiện cuộc sống gia đình, anh Thiện tự tìm hiểu và học hỏi những người chăn nuôi ở các địa phương lân cận, quyết định xây dựng chuồng trại với diện tích 50m2 để nuôi 800 mái gà thương phẩm đẻ trứng. Nhận thấy mô hình chăn nuôi gà ta lấy trứng có hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư vốn và mở rộng thêm chuồng trại với quy mô 100m2 theo mô hình khép kín với đầy đủ thiết bị như máng ăn, nước uống, đèn sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt làm mát về mùa hè…
Anh Thiện cho biết: Giống gà thương phẩm đẻ trứng phát triển tốt hơn gà thông thường, chỉ cần nuôi 4 tháng là cho lứa trứng đầu tiên, trong khi gà ta phải mất ít nhất 6 tháng mới đẻ trứng. Hơn nữa, giống gà này đẻ trứng liên tục, lại ít tiêu tốn thức ăn. Tỷ lệ dinh dưỡng trong trứng và thịt cao, vừa có thể nuôi dưới dạng công nghiệp, vừa có thể thả vườn nên được nhiều người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện gia đình anh có 800 con gà đẻ trứng, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 100 – 120 triệu đồng nhờ việc mô hình nuôi gà ta đẻ trứng.
Ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, mô hình nuôi gà trên sân cát đến nay đã mở rộng ra hơn 100 hộ. Từ nuôi gà trên sân cát, nhiều hộ đã có thể thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Gà trên cát ở Quỳnh Lâm trở thành một thương hiệu gà có chất lượng cao, có thể cung ứng cho các thị trường lớn như toàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng…
Ông Lưu Bá Đông là một trong những hộ thực hiện mô hình nuôi gà trên sân cát ở xã Quỳnh Lâm. Từ nuôi gà trên sân xi măng, ông Đông chuyển sang nuôi gà trên sân cát. Cũng từ đó, gia đình ông đã thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế gia đình. “Như trước kia khi tôi chưa làm mô hình nuôi gà trên sân cát thì mỗi khi trời mưa nước không thoát được, bệnh cầu trùng phát triển rất mạnh. Từ khi tôi làm mô hình này, tôi đã tiết kiệm được rất nhiều tiển thuốc điều trị bệnh cho gà.”- Ông Đông chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Đông, với mô hình nuôi gà trên sân cát thì loại gà ta sẽ thích hợp hơn gà công nghiệp, vì gà ta ưa vận động hơn. Gà như vậy cũng sẽ phát triển tốt, không bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh những ưu điểm, sân cát cũng có nhược điểm là giữ nhiệt rất lâu, vào những ngày trời nắng, nhiệt độ sân cát rất cao có thể lên tới 40 độ C. Để khắc phục nhược điểm này bà con nên trồng cây che mát một khoảng sân mát cho gà chơi.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, bà con cũng cần thực hiện tốt khâu phòng bệnh. Khi chăn nuôi gà trên sân cát bà con phải thường xuyên dọn dep chuồng trại. Cứ 2-3 ngày, bà con thay chất độn chuồng và sau một năm thì bà con thay cát một lần, còn trong quá trình nuôi có thể bổ sung thêm cát sau mỗi lứa nuôi gà. Đặc biệt là phần lông gà rụng xuống phải quét bỏ, không để lưu tồn trong chuồng lâu. Vì khi đói gà sẽ ăn lông, lâu ngày thành thói quen, khi đó gà có thể đánh nhau.
Cát dùng để làm sân nuôi gà chủ yếu là dùng cát đen, vì cát đen có giá rẻ và giữ ẩm tốt hơn cát vàng. Bà con sau khi mua cát về có thể đổ trực tiếp vào sân chuồng. Tùy vào điều kiện của gia đình, đặc điểm địa hình khu chuồng trại mà mua khối lượng cát phù hợp. Trung bình độ dày tầng cát từ 50 cm trở lên. Khu vực trũng phải đổ nhiều cát hơn khu vực có địa hình cao để sao cho độ cao từ bậc cửa chuồng xuống đến sân cát khoảng 10 cm là vừa, tránh cho gà phải vận động quá nhiều gây stress.
Cát là vật liệu có sẵn, dễ tìm dễ mua, thích hợp với nhiều địa hình khác nhau. Đặc biệt nuôi gà trên sân cát này rất phù hợp với những nơi ven sông, nguồn cát sẵn có, như vậy sẽ tiết kiệm chi phí xây dựng chuồng trại.
Tháng 8-2015, Trạm KNKN TP. Bà Rịa cung cấp 1.400 con gà ta giống cho 7 hộ vừa thoát nghèo đầu năm 2015 ở xã Long Phước với tổng kinh phí gần 89 triệu đồng. Mỗi hộ được hỗ trợ 200 con gà 30 ngày tuổi, 200kg cám thực phẩm và được hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại theo chuẩn quy định. Ngoài ra, để phòng trừ các bệnh như tụ huyết trùng, cầu trùng… cho gà, các hộ còn được khuyến cáo vệ sinh sát trùng chuồng trại, máng ăn, máng uống trước khi thả con giống từ 5-7 ngày, áp dụng nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vac-xin, bảo đảm thức ăn đủ chất đạm, khoáng và vitamin… Nhờ thực hiện đúng quy trình chăn thả do Trạm KNKN hướng dẫn, sau gần 3 tháng nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con gà đạt từ 1,5-2kg. Với giá bán từ 85.000-90.000 đồng/kg (cao hơn 10-15.000 đồng/kg so với nuôi gà thông thường), ước tính người nuôi thu lãi khoảng hơn 20 triệu đồng/lứa 200 con.
Gia đình ông Trần Văn Hùng (ấp Nam, xã Long Phước) là một trong những hộ thoát nghèo vào đầu năm 2015, được Trạm KNKN hỗ trợ 200 con gà ta giống về nuôi. Ông Hùng bỏ ra 5,5 triệu đồng xây dựng chuồng trại rộng 25m2, mua lưới về bao xung quanh khu vườn 4.000m2, kết hợp nuôi khoanh vùng và chăn thả trong vườn. Để giảm thiểu mùi hôi, phòng chống các bệnh về hô hấp trên đàn gà, ông Hùng mua trấu về trải xuống mặt sàn một lớp khoảng 5-10cm. Sau khi trải trấu, ông phun thuốc khử trùng xung quanh chuồng trại, thường xuyên dọn trấu để bảo đảm chuồng nuôi luôn khô ráo, sạch sẽ. Nuôi được 1,5 tháng, đàn gà phát triển nhanh, trung bình mỗi con nặng 1-1,2 kg. Ông Hùng chọn bán 30 con lớn với giá 70.000 đồng/con để giảm bớt chi phí mua thức ăn và giúp đàn gà phát triển đồng đều. Ông Trần Văn Hùng cho hay: “Với phương thức này, tôi đã giảm được khoảng 30% chi phí đầu tư do không phải thay đệm lót, giảm chi phí thuốc phòng, điều trị bệnh cho đàn gà, từ đó tăng lợi nhuận. Được chăn thả trong vườn, gà vận động nhiều nên thịt chắc, chất lượng thơm ngon, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng”. Đầu tháng 10 vừa qua, được người quen giới thiệu, ông Hùng bán cho một bếp ăn tập thể ở TP.Vũng Tàu 90 con gà nặng gần 2kg/con với giá 95.000 đồng/kg. Từ việc bán 120 con gà, sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc phòng bệnh…, ông Hùng thu lãi hơn 11 triệu đồng.
Ông Ngô Minh Tuấn (ấp Đông, xã Long Phước) cho biết, được Trung tâm KNKN hỗ trợ 200 con gà ta giống, ông đã sửa lại chuồng heo, mua thêm lưới về bao quanh để thả gà. Ngoài 200kg cám thực phẩm được trung tâm hỗ trợ, ông còn mua bắp, lúa cho gà ăn bổ sung. Để phòng các bệnh dịch tả, thương hàn, cầu trùng cho gà, ông mua các loại thuốc dạng bột về pha với nước ấm cho gà uống theo hướng dẫn của bác sỹ thú y. Đến nay, đàn gà của ông phát triển tốt, đang trong quá trình vỗ béo, mỗi con nặng 1,5-2kg và đang chờ xuất bán. Ông Tuấn cho biết: “Định kỳ hàng tháng, Trạm KNKN cử cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra và hướng dẫn cho gia đình tôi kỹ thuật chăm sóc, tiêm ngừa phòng bệnh nên tỷ lệ hao hụt không đáng kể, khoảng dưới 10%. Sau lứa gà này, tôi sẽ mua thêm con giống để tái đàn, tăng thu nhập và cải thiện kinh tế gia đình”.
Theo các hộ chăn nuôi gà theo mô hình an toàn sinh học, nuôi bằng cách truyền thống thì gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp, mùi hôi thối từ chất thải gây ô nhiễm môi trường. Nhưng khi thực hiện mô hình đệm lót sinh học, tình trạng này được cải thiện đáng kể, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp giảm hẳn, gà tăng trọng nhanh.
Ông Mã Văn Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước cho biết, các hộ tham gia mô hình nuôi gà ta thả vườn phải đáp ứng đủ các tiêu chí như: có diện tích vườn, chuồng trại rộng, đáp ứng yêu cầu về an toàn sinh học, bảo đảm không gây ô nhiễm trong khu dân cư. Ngoài ra, trước khi nuôi, các hộ còn được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho gia cầm nói chung và phòng bệnh trên đàn gà nói riêng. Mô hình này phù hợp với những hộ gia đình ít vốn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, đồng thời góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Sau nhiều năm nuôi heo không hiệu quả, cuộc sống gia đình gặp khó khăn, qua tìm hiểu và tham quan các mô hình mới, năm 2010, ông Phạm Khắc Nhân ở ấp Nam Hải- xã Đại Hải, huyện Kế Sách đã quyết định đầu tư xây chuồng nuôi thử 1.200 con gà ta thương phẩm và ông đã thành công.
Sau vài đợt nuôi cho lợi nhuận khá, ông Nhân đã mở rộng quy mô lên 4 trại thả nuôi 4.800 con gà giống, ông cho biết: “ Khi chọn giống, tôi chọn những con giống bố mẹ đã được tiêm ngừa nên gà con nuôi rất an toàn, tỉ lệ hao hụt rất thấp. Hiện giống gà này đang bán chạy nhất trên thị trường, nuôi 1.000 con sau gần 3 tháng thì cho lợi nhuận khoảng 25-30 triệu đồng.”
Không chỉ có con giống tốt, ông Nhân còn xây dựng chuồng trại thoáng mát đúng quy cách, quá trình nuôi có sử dụng đệm lót sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường, biết cách phòng trị bệnh cho gà. Sau mỗi lần xuất bán ông đều làm vệ sinh chuồng trại, khử trùng, thay đệm lót sinh học rồi mới tái đàn…nhờ thực hiện tốt các yêu cầu trong chăn nuôi mà trại gà của ông Nhân luôn phát triển tốt, tỉ lệ hao hụt rất thấp và không bị rủi ro. Cứ 80 ngày chăm sóc là xuất bán 1 lứa gà, trọng lượng 1,4- 1,5kg/con, mỗi năm 4 trại gà của ông Nhân xuất bán 4 lứa gà thương phẩm khoảng 27.000 kg thịt, giá bán từ 65.000- 80.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí ông Nhân còn lãi khoảng 500 triệu đồng/năm, chưa kể tiền bán phân gà để làm phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Năm 2014, Tổ hợp tác nuôi gà ấp Nam Hải được thành lập với 56 thành viên và ông Phạm Khắc Nhân được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong chăn nuôi, sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm trong quản lý điều hành, nên Tổ hợp tác chăn nuôi gà ta thương phẩm ấp Nam Hải ăn nên làm ra. Hiện nay 1 hộ thành viên của Tổ hợp tác nuôi ít nhất 1 trại gà với 1.200 con giống, hộ nuôi nhiều khoảng 3 trại với 3.600 con, sau khi trừ chi phí hộ nuôi số lượng ít cũng thu lãi 120 triệu đồng/năm, hộ nuôi nhiều lãi 360 triệu đồng/năm. Vào Tổ hợp tác chăn nuôi các thành viên rất an tâm bởi giá bán và đầu ra gà thương phẩm luôn ổn định hơn so chăn nuôi nhỏ lẻ, chi phí cũng giảm. Ông Nguyễn Văn Xích- Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Kế Sách, nhận xét: “Mô hình nuôi gà của anh Nhân đang rất hiệu quả. Đặc biệt gà này tỉ lệ hao hụt thấp, không tới 2%. Hội Nông dân và Phòng Nông nghiệp đã đưa khoảng 40 hội viên nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng thay đổi vật nuôi theo hướng phù hợp điều kiện gia đình”.
Cuối 2012 vừa qua, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ đã được trường Cao đẳng Nghề tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà đồi. Ngoài việc được phổ biến kiến thức, bà con nông dân tham gia lớp tập huấn còn được đầu tư giống gà, thức ăn và thuốc phòng trừ bệnh cho gà để bà con được thực hành. Mô hình thực hành thí điểm nuôi thả gà đồi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay nhiều thành viên tham gia tập huấn ở xã Thanh Minh đã tiếp tục đầu tư mở rộng chăn mô hình nuôi gà ta thả đồi.
Một trong 2 mô hình thực hành thí điểm của lớp học được đặt tại bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh. Theo nhận định của bà con tham gia mô hình: việc chăn nuôi gà ta theo hình thức thả đồi và chăm sóc theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn đã có hiệu quả rõ rệt. Một mô hình với 60 con, nuôi trong 3 tháng, tỷ lệ sống đạt 80%, khi xuất bán gà trống đạt từ 1,5 - 1,7kg; gà mái đạt từ 1,2 đến 1,5 kg, lợi nhuận mỗi mô hình đạt khoảng 7 triệu đồng. Như vậy, nếu mỗi hộ đầu tư chỉ với 60 con, cộng thức ăn và thuốc phòng, trừ bệnh với tổng kinh phí khoảng 4 triệu đồng thì trong 3 tháng đã cho thu nhập 7 triệu đồng. Một năm nuôi được từ 3 đến 4 lứa thu nhập sẽ đạt từ 20 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, bà con chỉ cần tranh thủ thời gian nhàn rỗi để chăm sóc.
Việc chăn nuôi gà ta thả đồi đối với bà con nông dân nơi đây mặc dù không còn xa lạ, nhưng để chăn nuôi có kỹ thuật thì hầu như ít có hộ áp dụng. Một phần là do bà con chưa coi trọng việc phát triển kinh tế bằng hình thức này, phần là vì bà con chưa nắm được quy trình kỹ thuật. Do đó, từ bao đời nay, các hộ ở đây đều có chăn nuôi gà ta, có điều kiện về diện tích vườn, đồi để thả, nhưng không chú trọng việc chăm sóc nên việc nuôi gà ở đây chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế. Lượng gà thương phẩm hàng năm của xã không đáng kể.
Thanh Minh là xã khó khăn về điều kiện về diện tích đất chăn thả gia súc do quỹ đất đã bị thu hẹp, đất sản xuất không thể mở rộng, sản xuất lâm nghiệp có hạn chế thì việc tập trung đầu tư chăn nuôi lợn, thủy sản và gia cầm là giải pháp hữu hiệu. Trong đó, chăn nuôi gà ta theo hình thức thả đồi có ưu thế hơn bởi: xã có điều kiện về diện tích vườn, đồi quanh nhà, giống gà phần lớn đã có sẵn, kỹ thuật đã được tập huấn và vốn đầu tư không nhiều. Việc chăn nuôi gà ta thả đồi cũng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây xác định là hướng đi mới để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nuôi gà ta theo hình thức thả đồi ở Thanh Minh đã hình thành từ lâu đời và hiện nay đang bắt đầu được bà con tập trung chăn nuôi có quy mô hơn. Ngoài việc áp dụng quy trình kỹ thuật từ việc: Làm chuồng, trại, khoanh vùng chăn thả, làm hoặc mua sắm các dụng cụ chăn nuôi cho đến việc chọn giống, thức ăn, thuốc phòng, trừ bệnh… bà con nông dân nơi đây cũng đã quan tâm đến việc thăm dò, khảo sát thị trường để lựa chọn số lượng gà nuôi phù hợp với nhu cầu nhằm tránh gặp phải những khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.
Từ những điều kiện sẵn có của địa phương, kết hợp với việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi lẫn nhau, việc chăn nuôi gà ta thả đồi ở Thanh Minh sẽ có hiệu quả thiết thực. Bà con cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển kinh tế theo hình thức này, làm sao để xã có nhiều mô hình gà đồi hơn, mỗi mô hình ngày càng có quy mô lớn hơn và chất lượng hơn.
ĐT: 0941.771.563
Email : traigiongthuha@gmail.com
ĐC: Thôn 5, Xã Phù Vân, Phủ Lý, Hà Nam.
Copyright© 2017 gionggiacam.com
Chào bạn, Trại giống Thu Hà sẵn sàng giải đáp thắc mắc của bạn.
Bắt đầu chat qua Messenger Bắt đầu chat qua Zalo