Trước đây, bà con nuôi gà ta mất tới 6 tháng mới được một lứa. Còn bây giờ, anh Khá một thanh niên trẻ chỉ cần nuôi khoảng 4 tháng là đã bán được cả ngàn con gà.
Chỉ vào chiếc xe máy, anh Phạm Thiệt Khá cười: “Mình mua bằng tiền 3 năm bán gà đó”. Nói rồi anh Khá nổ máy xe đưa tôi về trang trại nuôi gà ta của mình tại xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Phía sau căn nhà xây theo kiểu chống lũ là một khoảnh đất lớn với nhiều chuồng gà dựng trên ao cá, xung quanh là những tấm lưới vây trên cát để thả gà.
Anh Khá (SN 1986) là con thứ 9 trong gia đình 11 anh chị em. Cuộc sống xã biên giới khá vất vả với nghề nông. Mẹ anh nay cũng đã già nên anh quyết tìm con đường làm giàu trên chính quê hương mình.
Trước đây, bà con nông dân trên địa bàn xã biên giới của huyện Hồng Ngự nuôi gà ta theo tập quán cũ là thả vườn, cho ăn thóc. Mỗi năm chỉ bán được hai lứa gà với số lượng chỉ vài chục con. Tình cờ trong một buổi tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, được nghe về quy trình nuôi gà hướng bán công nghiệp, anh lập tức nghĩ ngay đến việc tiên phong nuôi gà áp dụng cách mới. Ban đầu anh nói chuyện này với gia đình, nhiều người cũng nghi ngại. Anh đã chứng minh bằng cách mua gom vài chục con gà con của hàng xóm về nuôi. Quả thực, theo quy trình mới, anh chỉ cần từ 3 đến 4 tháng đã có một lứa gà thịt bán ra. Thấy con thành công, mẹ anh mừng lắm và cho con vay ít vốn, đồng thời anh cũng làm đơn xin vay tiền từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp để xây chuồng trại. Sau đó anh sang tận các trại gà giống ở Bến Tre để mua 400 con. Do số lượng nhiều và chưa có kinh nghiệm phòng ngừa bệnh dịch, nên lứa đầu tỷ lệ gà chết khá cao. Sau 3 tháng xuất chuồng đầu tiên, anh huề vốn. Thấy con có tâm huyết, vả lại lứa đầu huề là tốt rồi, mẹ anh tiếp tục ủng hộ và khuyến khích anh đầu tư. Lần thứ hai, anh Khá chở tiếp 700 con gà con bằng xe máy về. Rút kinh nghiệm, anh cho chích thuốc tiêm phòng theo lịch cẩn thận. Sau gần 4 tháng, lứa thứ hai đem lại lợi nhuận trên 20 triệu đồng, đánh dấu sự thành công trong sự nghiệp nuôi gà của mình.
Quy trình nuôi gà ta thịt của anh Khá là theo mô hình bán công nghiệp, vừa chuồng vừa thả. Với gà con, anh nuôi ở chuồng ấp có phủ bạt che gió xung quanh, thắp đèn suốt đêm để sưởi ấm. Với gà trưởng thành sau 20 ngày sẽ được chuyển sang khu chuồng ao. Đây là các chuồng lưới rộng dựng trên các ao nuôi cá trê. Các thức ăn vốn giàu dinh dưỡng của gà khi rơi vãi sẽ “lọt sàn” nuôi bầy cá trong ao, bán ra cũng có lời. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm 10 con trăn nhỏ để tiêu thụ những con gà chết, vừa tiện ích vừa bảo vệ môi trường. Ban ngày, đàn gà được thả rong chơi trên nền đất cát khoanh vùng bằng lưới để chân chúng chắc khỏe và không bị lây bệnh từ xung quanh. Anh không nuôi bằng thóc mà mua thức ăn gia cầm cho chúng. Đặc biệt là lịch tiêm phòng cho gà được anh theo dõi rất kỹ. Anh Khá chia sẻ: “Nghề nuôi gà ngán nhất là dịp cận tết, bởi lúc đó thời tiết lạnh, gà dễ bệnh và bỏ ăn nên chậm lớn, thậm chí tỷ lệ gà chết khá nhiều. Nhưng nếu chăm sóc tiêm phòng cẩn thận, thì khi vượt qua được là lời to”.
Sau 3 năm chăn nuôi, từ số lượng gà ta ban đầu chỉ vài trăm con, đến nay anh Khá thuê thêm đất, mở rộng sân nuôi khoảng 2.600 con, chứng minh được phương pháp nuôi gà với kỹ thuật mới thành công trên mảnh đất vùng biên.
ĐT: 0941.771.563
Email : traigiongthuha@gmail.com
ĐC: Thôn 5, Xã Phù Vân, Phủ Lý, Hà Nam.
Copyright© 2017 gionggiacam.com
Chào bạn, Trại giống Thu Hà sẵn sàng giải đáp thắc mắc của bạn.
Bắt đầu chat qua Messenger Bắt đầu chat qua Zalo