Nhắc đến các giống gà quý, hiếm tại Việt Nam người ta thường nghĩ đến ngay gà Đông Tảo, gà Hồ… Tuy nhiên, ở vùng Lạc Thủy, Hòa Bình mới được các nhà khoa học phát hiện một giống gà quý hiếm không kém, hiện đang được nghiên cứu, bảo tồn tại Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Tại sao nhiều chuyên gia lại xếp giống gà này “ngang hàng” và đưa nó vào danh sách các giống gà “độc nhất, vô nhị” cần bảo tồn tại Việt Nam?
Gà quý ít biết
Đến bây giờ, hầu hết bà con nông dân vùng Lạc Thủy, Hòa Bình vẫn quen gọi giống gà nuôi bao đời nay mới được các nhà khoa học phát hiện năm 2013 là gà ri. Đây là điều khá dễ hiểu, giống gà Lạc Thủy (được các nhà khoa học đặt tên) thật khó phân biệt với gà ri, gà mía (Sơn Tây) với bề ngoài và trọng lượng nhỏ của chúng. Thoạt nhìn tuy rất giống loại gà mía nhưng theo các chuyên gia Viện Nông nghiệp, ưu điểm gà Lạc Thủy vượt trội hơn hẳn.
Giống gà này có bộ lông mã đẹp, màu sắc đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoại hình đồng nhất, gà con 1 ngày tuổi lông trắng ngà, khi trưởng thành gà mái lông màu lá chuối khô nhạt, trọng lượng khoảng 1,5kg, gà trống trưởng thành lông màu đỏ mận, trọng lượng khoảng 2kg, chân nhỏ, da chân vàng, da thịt vàng. Thời gian nuôi gà thịt khoảng 4-4,5 tháng, lông mọc sớm nên gà Lạc Thủy có sức đề kháng khá tốt với thời tiết quanh năm, tỷ lệ sống khoảng 90-93%. Gà chăn nuôi tốt ở phương thức nuôi nhốt và chăn thả, thích hợp với quy mô nuôi hộ gia đình, trang trại và bán trang trại.